Dự thảo Nghị định về Hóa đơn: Bắt buộc nhiều đối tượng sử dụng hóa đơn điện tử từ năm 2018
Ngày 14/08/2017
Theo dự thảo Nghị định về hóa đơn (sửa đổi) mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý, chuẩn bị trình Chính phủ, từ năm 2018, cơ quan thuế thực hiện đặt in hóa đơn để bán cho các doanh nghiệp mới thành lập, hộ, cá nhân kinh doanh; hạn chế các đối tượng đặt in, tự in hóa đơn.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng mở rộng, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT).
Hạn chế đối tượng đặt in, tự in hóa đơn
Theo dự thảo Bộ Tài chính vừa công bố, Nghị định về hóa đơn (sửa đổi) vẫn tồn tại song song hai loại hình hóa đơn, đó là hóa đơn giấy và hóa đơn điện tử. Bộ Tài chính cho rằng, nhiều nước trên thế giới hiện nay vẫn tồn tại cả hai loại hình hóa đơn trên. Hóa đơn giấy thường được các siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng bán lẻ, một số đơn vị cung cấp dịch vụ đặc thù (dịch vụ xem phim, dịch vụ vận chuyển hành khách…) sử dụng, do đó dự thảo đề xuất vẫn để tồn tại song song hai loại hình hóa đơn giấy và hóa đơn điện tử. Tuy nhiên, để phát triển mở rộng việc sử dụng hóa đơn điện tử, Bộ Tài chính cho rằng cần hạn chế các đối tượng đặt in, tự in hóa đơn.
Theo đó, tại dự thảo Nghị định quy định, từ năm 2018 các doanh nghiệp, tổ chức không thực hiện đặt in hóa đơn, cơ quan thuế thực hiện đặt in hóa đơn để bán cho các doanh nghiệp mới thành lập, hộ, cá nhân kinh doanh. Việc bán hóa đơn cho doanh nghiệp mới thành lập thực hiện trong thời gian 6 tháng. Trong thời gian này, cơ quan thuế sẽ hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp để chuyển sang áp dụng HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế. Đối với một số trường hợp không có nhu cầu mua hóa đơn quyển, nhu cầu sử dụng ít thì đề xuất cơ quan thuế sẽ cấp lẻ hóa đơn do cơ quan thuế tự in để sử dụng.
Riêng đối với các hàng hóa, dịch vụ đặc thù sử dụng tem, vé, thẻ là hóa đơn đặc thù có ghi mệnh giá, thì các doanh nghiệp, tổ chức vẫn thực hiện đặt in tem, vé, thẻ để sử dụng như hiện hành. Với trường hợp đặc thù này, Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn cụ thể, chi tiết khi quy định này có hiệu lực thi hành.
Cũng theo dự thảo này, Bộ Tài chính cũng đề xuất, những hóa đơn do tổ chức đã đặt in trước ngày 1/1/2018 thì được tiếp tục sử dụng trong năm 2018. Bộ Tài chính sẽ có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử của doanh nghiệp, hoặc HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế. Với các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng hóa đơn tự in trực tiếp từ máy tính tiền thì định kỳ chuyển dữ liệu cho cơ quan thuế để theo dõi, giám sát.
Thêm đối tượng sử dụng hóa đơn điện tử
Tại Dự thảo, Bộ Tài chính cũng đề xuất, ngoài những doanh nghiệp đã áp dụng HĐĐT theo hướng dẫn tại Thông tư số 32/2011/TT-BTC (tổ chức, cá nhân lựa chọn sử dụng hóa đơn điện tử khi mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; tổ chức cung cấp giải pháp hỗ trợ việc khởi tạo, truyền, nhận, lưu trữ, phục hồi thông điệp dữ liệu của hóa đơn điện tử giữa người bán hàng và người mua hàng; cơ quan quản lý thuế các cấp và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc khởi tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử), còn mở rộng thêm đối tượng áp dụng.
Cụ thể, áp dụng với doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh đang thực hiện giao dịch điện tử trong khai thuế với cơ quan thuế, hoặc là tổ chức kinh tế có sử dụng giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng, có chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật; phần mềm bán hàng hoá, dịch vụ kết nối với phần mềm kế toán, đảm bảo dữ liệu của hoá đơn điện tử bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tự động chuyển vào phần mềm (hoặc cơ sở dữ liệu) kế toán tại thời điểm lập hoá đơn thì sử dụng hóa đơn điện tử của doanh nghiệp trong hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Với doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh có mã số thuế đang sử dụng hóa đơn giấy in từ hệ thống máy tính trước ngày 1/1/2018, nếu có đủ điều kiện nêu trên thì sử dụng HĐĐT của doanh nghiệp từ ngày 1/1/2018 trong hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh mới thành lập nếu đủ điều kiện áp dụng HĐĐT của doanh nghiệp, không lựa chọn mua hóa đơn đặt in của cơ quan thuế, không lựa chọn sử dụng HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế, thì sử dụng HĐĐT của doanh nghiệp.
Dự thảo cũng quy định rõ điều kiện sử dụng HĐĐT của doanh nghiệp, đó là cơ sở sản xuất kinh doanh đang thực hiện giao dịch điện tử trong khai thuế với cơ quan thuế; hoặc là tổ chức kinh tế có sử dụng giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng; có chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật; có phần mềm bán hàng hoá, dịch vụ kết nối với phần mềm kế toán, đảm bảo dữ liệu của hoá đơn điện tử bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tự động chuyển vào phần mềm (hoặc cơ sở dữ liệu) kế toán tại thời điểm lập hoá đơn.
Về nguyên tắc sử dụng hóa đơn điện tử của doanh nghiệp, dự thảo Nghị định quy định: Trước khi sử dụng HĐĐT của doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh thực hiện đăng ký, hoặc thông báo với cơ quan thuế qua cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế. Định kỳ phải chuyển dữ liệu cho cơ quan thuế theo hình thức chuyển thông tin dữ liệu của từng hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ phát sinh trong tháng cùng tờ khai thuế GTGT.