Hàng năm các dịp lễ, tết doanh nghiệp có mua một số hàng hóa, dịch vụ dùng để biếu tặng cho đối tác, công nhân viên,... phần chi phí này chiếm một phần không hề nhỏ trong doanh nghiệp.Bài viết này đại lý thuế Đông Dương hướng dẫn bạn cách hạch toán và xử lý đối với hàng hóa dịch vụ dùng để biếu , tặng, cho.
► Hóa đơn - chứng từ :
♦Tiết a khoản 7 điều 3 thông tư 26/2015/TT-BTC.
b) Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất).
Nội dung trên hóa đơn phải đúng nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh; không được tẩy xóa, sửa chữa; phải dùng cùng màu mực, loại mực không phai, không sử dụng mực đỏ; chữ số và chữ viết phải liên tục, không ngắt quãng, không viết hoặc in đè lên chữ in sẵn và gạch chéo phần còn trống (nếu có). Trường hợp hoá đơn tự in hoặc hoá đơn đặt in được lập bằng máy tính nếu có phần còn trống trên hoá đơn thì không phải gạch chéo.
♦ Khoản 9 điều 3 thông tư 26/2015/TT-BTC :
2.4. Sử dụng hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá, dịch vụ khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu, cho, biếu, tặng đối với tổ chức kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ:
a) Đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật về thương mại thì phải lập hoá đơn, trên hoá đơn ghi tên và số lượng hàng hoá, ghi rõ là hàng khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu và thực hiện theo hướng dẫn của pháp luật về thuế GTGT.
Đối với hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động thì phải lập hoá đơn GTGT (hoặc hoá đơn bán hàng), trên hoá đơn ghi đầy đủ các chỉ tiêu và tính thuế GTGT như hoá đơn xuất bán hàng hoá, dịch vụ cho khách hàng.”
► Thuế Giá trị gia tăng :
♦ Khoản 3 điều 7 thông tư 219/2013/TT-BTC :
3. Đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ (kể cả mua ngoài hoặc do cơ sở kinh doanh tự sản xuất) dùng để trao đổi, biếu, tặng, cho, trả thay lương, là giá tính thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh các hoạt động này.
Ví dụ 22: Đơn vị A sản xuất quạt điện, dùng 50 sản phẩm quạt để trao đổi với cơ sở B lấy sắt thép, giá bán (chưa có thuế) là 400.000 đồng/chiếc. Giá tính thuế GTGT là 50 x 400.000 đồng = 20.000.000 đồng.
Riêng biếu, tặng giấy mời (trên giấy mời ghi rõ không thu tiền) xem các cuộc biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu, thi đấu thể thao do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật thì giá tính thuế được xác định bằng không (0). Cơ sở tổ chức biểu diễn nghệ thuật tự xác định và tự chịu trách nhiệm về số lượng giấy mời, danh sách tổ chức, cá nhân mà cơ sở mang biếu, tặng giấy mời trước khi diễn ra chương trình biểu diễn, thi đấu thể thao. Trường hợp cơ sở có hành vi gian lận vẫn thu tiền đối với giấy mời thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Ví dụ 23: Công ty cổ phần X được cơ quan có thẩm quyền cấp phép tổ chức cuộc thi “Người đẹp Việt Nam năm 20xx”, ngoài số vé in để bán thu tiền cho khán giả, Công ty có in một số giấy mời để biếu, tặng không thu tiền để mời một số đại biểu đến tham dự và cổ vũ cho cuộc thi, số giấy mời này có danh sách tổ chức, cá nhân nhận. Khi khai thuế giá trị gia tăng, giá tính thuế đối với số giấy mời biếu, tặng được xác định bằng không (0). Trường hợp cơ quan thuế phát hiện Công ty cổ phần X vẫn thu tiền khi biếu, tặng giấy mời thì Công ty cổ phần X bị xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
♦ Điều 14 thông tư 219/2013/TT-BTC :
Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa (kể cả hàng hóa mua ngoài hoặc hàng hóa do doanh nghiệp tự sản xuất) mà doanh nghiệp sử dụng để cho, biếu, tặng, khuyến mại, quảng cáo dưới các hình thức, phục vụ cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT thì được khấu trừ.
► Thuế thu nhập doanh nghiệp :
♦ Trước năm 2015 : Bị khống chế 15% trong tổng số chi phí được trừ.
Tổng số chi được trừ không bao gồm các khoản chi khống chế quy định tại điểm này; đối với hoạt động thương mại, tổng số chi được trừ không bao gồm giá mua của hàng hóa bán ra. Đối với hàng hóa nhập khẩu thì giá mua của hàng hóa bán ra bao gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường (nếu có). Đối với hoạt động kinh doanh đặc thù như xổ số, trò chơi điện tử có thưởng, đặt cược, casino thì tổng chi phí được trừ không bao gồm chi phí trả thưởng.
Các khoản chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới bị khống chế nêu trên không bao gồm:
- Khoản hoa hồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; hoa hồng trả cho các đại lý bán hàng hóa, dịch vụ đúng giá.
- Khoản hoa hồng trả cho nhà phân phối của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Đối với tổ chức nhận được khoản hoa hồng thì phải kê khai tính vào thu nhập chịu thuế, đối với cá nhân nhận được hoa hồng thì phải khấu trừ thuế thu nhập cá nhân trước khi chi trả thu nhập.
- Các khoản chi phát sinh trong nước hoặc ngoài nước (nếu có) như: Chi phí nghiên cứu thị trường: thăm dò, khảo sát, phỏng vấn, thu thập, phân tích và đánh giá thông tin; chi phí phát triển và hỗ trợ nghiên cứu thị trường; chi phí thuê tư vấn thực hiện công việc nghiên cứu, phát triển và hỗ trợ nghiên cứu thị trường; Chi phí trưng bày, giới thiệu sản phẩm và tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại: chi phí mở phòng hoặc gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm; chi phí thuê không gian để trưng bày, giới thiệu sản phẩm; chi phí vật liệu, công cụ hỗ trợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm; chi phí vận chuyển sản phẩm trưng bày, giới thiệu.
♦ Từ ngày 06/08/2015 - Thông tư 96/2015/TT-BTC bãi bỏ giới hạn
Các khoản được trừ khi tính thuế TNDN
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên ghi trên hóa đơn mà đến thời điểm ghi nhận chi phí, doanh nghiệp chưa thanh toán thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp khi thanh toán doanh nghiệp không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì doanh nghiệp phải kê khai, điều chỉnh giảm chi phí đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (kể cả trong trường hợp cơ quan thuế và các cơ quan chức năng đã có quyết định thanh tra, kiểm tra kỳ tính thuế có phát sinh khoản chi phí này).
► Hạch toán với hàng cho biếu tặng :
1.ĐỐI VỚI BÊN MUA
Bước 1: Mua hàng về để đi cho biếu tặng
Trong trường hợp này, các bạn hạch toán như khi mua hàng bình thường. Các bạn nhớ Thuế GTGT đối với các hàng hóa này được khấu trừ.
Nợ TK 152,153,156,211…
Nợ TK 133
Có TK 111,112,131
Bước 2: Xuất hàng cho biếu tặng
Đối với đối tượng ngoài doanh nghiệp. Các bạn thực hiện như sau:
-
Ghi nhận chi phí:
Nợ TK 641 (Nếu DN áp dụng theo Thông tư 200)
Nợ TK 6421 (Nếu DN áp dụng theo QĐ 48)
Có TK 152,153,156,211…
-
Doanh nghiệp phải kê khai thuế GTGT đầu ra, ghi tăng phần chênh lệch của giá vốn và giá bán của hàng cho biếu tặng.
Nợ TK 641: Thuế GTGT được khấu trừ
Có TK 511: Chênh lệch giá xuất biếu tặng lớn hơn giá vốn (nếu có)
Có TK 3331: Thuế GTGT phải nộp.(tính trên giá xuất biếu tặng)
-
Khấu trừ Thuế GTGT đầu vào và đầu ra.
Nợ TK 133
Có TK 333
Đối với cán bộ, công nhân viên trong doanh nghiệp:
Chi phí để mua hàng tặng Cán bộ, Công nhân viên được lấy từ Qũy Khen thưởng, Phúc lợi. Do đó:
-
Ghi nhận doanh thu được trả từ Qũy Khen thưởng, phúc lợi của doanh nghiệp:
Nợ TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi (tổng giá thanh toán)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp.
-
Ghi nhận giá vốn hàng bán đối với hàng hóa dùng để biếu, tặng công nhân viên và người lao động:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có các TK 152, 153, 155, 156
2. ĐỐI VỚI BÊN NHẬN
Các bạn lưu ý: Theo khoản 10 điều 1 TT 26/2015/TT-BTC quy đinhỵ bên nhận hàng cho biếu tặng không phải thanh toán tiền, do đó bên nhận sẽ không có chứng từ thanh toán, nên cũng sẽ không được khấu trừ thuế GTGT của hóa đơn hàng biếu tặng.
2.1 Trường hợp hàng được cho biếu tặng là hàng nội địa:
Các bạn hạch toán như sau:
Nợ TK 156, 242, …
Có TK 711
2.2 Trường hợp hàng được cho biếu tặng là hàng nhập khẩu phi mậu dịch (hàng nhập khẩu không mang tính chất thương mại)
Các bạn hạch toán như sau:
-
Khi nhận hàng hóa, kế toán ghi nhận trị giá lô hàng:
Nợ TK 152, 156, 211, 642: Nguyên vật liệu, hàng hóa, chi phí
Có TK 711 : Theo giá tính thuế của Hải quan
-
Nếu có chứng từ nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu:
Nợ TK 133: Thuế GTGT được khấu trừ
Có TK 111, 112: Tiền mặt, TGNH
-
Nếu có chứng từ nộp thuế nhập khẩu:
Nợ TK 3333: Thuế XNK
Có TK 111, 112: Tiền mặt, TGNH
-
Kết chuyển thuế nhập khẩu vào chi phí, nếu đã ghi nhận giá trị hàng cho biếu tặng theo giá thị trường, giá Hải quan
Nợ TK 642: Chi phí quản lý doanh nghiệp
Có TK 3333: Thuế XNK